Lịch sử hình thành tâm lý học
01/02/2022Lịch sử hình thành tâm lý học có từ thời cổ đại, ngày càng hoàn thiện cho tới ngày nay, là một bộ môn học thuật với quy mô nghiên cứu rất sâu rộng về tâm trí và hành vi, các hiện tượng ý thức và vô thức, cũng như cảm xúc và tư duy của con người.
Từ nguyên và định nghĩa tâm lý học
Từ psychology (“tâm lý học”) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp cổ nghĩa là “sự học về tâm hồn” (“study of the psyche or soul”), ghép lại từ chữ psychē (ψυχή) có nghĩa là “tâm hồn”(“breath, spirit, soul”), và hậu tố -logia (λογία) có nghĩa là “học” hay “nghiên cứu”(“study of”, “research”). Từ Latin hiện đại psychologia lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà thơ Latin và nhà nhân đạo học người Croatia Marko Marulić trong một khái luận tiếng Latin tên Psichiologia de ratione animae humanae vào cuối thế kỷ XV hoặc đầu thế kỷ XVI. Bản thân khái luận này không còn được lưu giữ, nhưng tiêu đề của nó xuất hiện trong danh sách những tác phẩm của Marulić tổng hợp bởi Franjo Bozicevic-Natalis trong tác phẩm “Vita Marci Maruli Spalatensis”.
Tham chiếu từ điển sớm nhất về từ psychology trong tiếng Anh là bởi Steven Blankaart vào năm 1694 trong từ điển The Physical Dictionary như sau: “Giải phẫu học, nghiên cứu về cơ thể và Tâm lý học, nghiên cứu về linh hồn” (“Anatomy, which treats the Body, and Psychology, which treats of the Soul”).
Năm 1890, William James định nghĩa tâm lý học (psychology) là “khoa học về đời sống tâm thần, bao gồm cả những hiện tượng và trạng thái của nó”. Định nghĩa này được chấp nhận rộng rãi trong nhiều thập niên. Nhưng nó cũng bị phản bác, đáng chú ý nhất là từ những nhà hành vi học cực đoan như John B. Watson, trong một tuyên bố của ông vào 1913, định nghĩa bộ môn tâm lý học là một bộ môn thu thập các thông tin hữu ích nhằm mục tiêu kiểm soát hành vi. Ngoài ra, từ thời định nghĩa của James, thuật ngữ này thường có ý bao hàm tính kỹ thuật trong thí nghiệm khoa học. Trong khi đó, tâm lý học bình dân thường dùng để chỉ hiểu biết về tâm lý của đại chúng, phân biệt với hiểu biết của nhà tâm lý học.
Lịch sử tâm lý học thời cổ đại
Thời cổ đại chưa có tâm lý học nhưng đã có những tư tưởng về tâm lý người. Trong các di chỉ của người nguyên thuỷ đã thấy những bằng cứ chứng tỏ quan niệm của hồn, phách sau cái chết của thể xác. Trong các bản văn tự đầu tiên của thời kỳ cổ đại, trong các kinh ở Ấn Độ đã có những nhận xét về tính chất của hồn, như vậy đã có những ý tưởng tiền khoa học về tâm lý.
Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ và Ba Tư đều có nghiên cứu ở tầm triết học về tâm lý học.
- Ở Ai Cập cổ đại, sách Ebers Papyrus đã nhắc đến chứng trầm cảm và rối loạn tư duy.
- Các nhà sử học cho rằng các triết gia La Mã, bao gồm Plato, và Aristotle (đặc biệt là trong luận thuyết Bàn về Linh Hồn De Anima của ông), đều đề cập đến cách thức hoạt động của trí óc.
- Từ thế kỷ IV TCN, thầy thuốc người Hy Lạp cổ đại Hippocrates đã cho rằng rằng bệnh tâm thần có nguyên do sinh lý chứ không phải tâm linh.
- Sokrates (469 – 399 TCN) đã tuyên bố một câu nổi tiếng là “hãy tự biết mình”. Đây là một định hướng có giá trị to lớn trong cho tâm lý học: Con người có thể và cần phải tự hiểu biết mình, tự nhận thức, tự ý thức về cái ta.
- Các nhà triết học như Thales (thế kỷ VII – VI TCN), Anaximenes (thế kỷ VI TCN), Heraclitus (thế kỷ VI – V TCN)… lại cho rằng tâm lý, tâm hồn cũng như vạn vật đều được cấu tạo từ vật chất như: nước, lửa, không khí, đất.
Ở Trung Quốc, hiểu biết về tâm lý học được phát triển trong các công trình triết học của Lão Tử và Khổng Tử, và sau này từ các học thuyết của Phật giáo. Các kiến thức này phát triển từ quan sát và nội quan, cũng như các kỹ thuật tư duy sâu. Tư tưởng chung là cho rằng vũ trụ bao gồm, và là kết quả của sự tương tác giữa, thế giới vật chất và thế giới tinh thần, trong đó nhấn mạnh vào việc thanh lọc tâm hồn để tăng cường đức hạnh và năng lực.
- Khổng Tử (551 – 479 TCN) nói đến chữ “tâm” của con người là “nhân, trí, dũng”, về sau học trò của Khổng Tử phát triển thành “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.
- Tác phẩm cổ đại Hoàng Đế Nội Kinh xác định não bộ là mối liên hệ giữa trí tuệ và cảm giác, bao gồm những giả thuyết rằng nhân cách được dựa trên sự cân bằng âm – dương, và từ đó phân tích bệnh tâm thần dựa trên sự mất cân bằng sinh lý và xã hội.
Tóm lại Lịch sử hình thành tâm lý học thời cổ đại diễn ra xug quanh sự đấu tranh mãnh liệt giữa các quan điểm duy vật và duy tâm, giữa mối quan hệ vật chất và tinh thần, giữa tâm lý và vật chất.
Lịch sử tâm lý học thời trung cổ đến trước thế kỷ XIX
Trong suốt thời kỳ trung cổ, tâm lý học mang tính chất thẩm mỹ – bản thể huyền bí. Sự phát triển các tri thức các tư tưởng tiến bộ bị kìm hãm. Nghiên cứu về cuộc sống tâm hồn bị quy về Thần Học, nên mọi kết quả nghiên cứu chỉ nhằm xem tâm hồn người sẽ phải đưa tới xứ sở của sự hưng thịnh như thế nào.
Đến thế kỷ XVII, thì tâm lý học thời trung cổ mới có tiến triển khi thuyết Nhị Nguyên ra đời. R. Descartes (1596-1650) đại diện cho phái Nhị Nguyên luận cho rằng vật chất và tâm hồn là hai thực thể song song tồn tại. R. Descartes cho rằng cơ thể con người phản xạ như một cái máy, còn tinh thần, tâm lý của con người thì không thể biết được. Tuy nhiên phát kiến của ông về phản xạ là một cống hiến to lớn cho tâm lý học khoa học lúc bấy giờ.
Sang thế kỷ XVIII tâm lý học bắt đầu có tên gọi. Nhà triết học Đức Wolff đã chia Nhân Chủng Học ra thành hai thứ khoa học, một là khoa học về cơ thể, hai là khoa học về Tâm lý học. Năm 1732, ông xuất bản cuốn “Tâm lý học kinh nghiệm”, sau đó hai năm (1734) ông cho ra đời cuốn “Tâm lý học lý trí”. Thế là tâm lý học ra đời từ đó.
Đến nửa thế kỷ XIX, L.Feuerbach đã có công đưa chủ nghĩa duy vật lên đỉnh cao thời bấy giờ. Ông là nhà duy vật lỗi lạc trước khi chủ nghĩa Mác ra đời. Theo ông, tinh thần, tâm lý không thể tách rời khỏi não người, nó là sản phẩm của thứ vật chất phát triển tới mức độ cao là bộ não người. Tâm lý là hình ảnh của thế giới khách quan.
Lịch sử tâm lý học hiện đại (từ giữa thế kỷ XIX đến nay)
Một số người cho rằng tâm lý học hiện đại ra đời vào thế kỷ 18, bắt nguồn từ tác phẩm “Treatise on Madness” của William Battie xuất bản năm 1758. Những người khác thì cho rằng các thí nghiệm giữa thế kỷ 19 được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Hermann von Helmholtz mới chính là khởi nguồn của tâm lý học hiện đại.
Bên cạnh đó, vẫn còn những người khác tin rằng tâm lý học hiện đại bắt nguồn vào năm 1879 khi Wilhelm Wundt – còn được gọi là cha đẻ của tâm lý học hiện đại – thành lập phòng thí nghiệm tâm lý học thực nghiệm đầu tiên. Kể từ thời điểm đó trở đi, việc nghiên cứu tâm lý học có được sự phát triển và đạt được những thành tựu như ta thấy ngày nay.
Dù lấy mốc thời gian nào thì thế kỷ XIX tâm lý học cũng được coi là một môn khoa học thực nghiệm và được chấp nhận. Trong khi các kỹ thuật liên tục xuất hiện và phát triển, các mô hình nghiên cứu và đánh giá cũng bắt đầu hình thành trong khoảng thời gian 100 năm này.
Các thành tựu của các ngành khoa học ảnh hưởng đến sự ra đời của tâm lý học hiện đại đó là:
- Học thuyết tiến hoá của Charles Darwin
- Thuyết tâm sinh lý học giác quan của Hermann von Helmholtz (Đức)
- Tâm vật lý học cuả Gustav Fechner (1801 – 1887) và Ernst Heinrich Weber (1795–1878)
Đối với tâm lý học thế kỷ XIX phải đặc biệt nhấn mạnh năm 1879 là năm tại thành phố Leipzig (Đức), nhà tâm lý học Wilhelm Wundt (1832-1920) đã thành lập phòng thí nghiệm đầu tiên trên thế giới. Một năm sau phòng thí nghiệm này đã chuyển thành viện tâm lý học đầu tiên trên thế giới, xuất bản các tạp chí tâm lý học. Từ vương quốc của chủ nghĩa duy tâm coi ý thức chủ quan là đối tượng của tâm lý học và con đường nghiên cứu tâm lý bằng phương pháp tự quan sát, nội quan chuyển sang con đường nghiên cứu ý thức một cách khách quan, bằng quan sát, phân tích, đo đạc.
Trong vòng 10 năm của đầu thế kỷ XX trên thế giới đã xuất hiện nhiều trường phái tâm lý học khách quan đó tâm lý học hành vi, tâm lý học Gestalt, tâm lý học Phơrơt và Phân Tâm học. Ngoài ra còn có các dòng phái khác có vai trò nhất định trong lịch sử hình thành tâm lý học hiện đại như Tâm lý học nhân văn, Tâm lý học nhận thức. Sau cách mạng tháng Mười Nga 1917, dòng phái Tâm lý học hoạt động do các nhà tâm lý học Xô Viết sáng lập đã đem lại những bước ngoặc lịch sử đáng kể trong Tâm lý học.