Giải Nobel Văn học
11/02/2022Giải Nobel Văn học (tiếng Thụy Điển: Nobelpriset i litteratur) là một trong sáu giải thưởng của nhóm Giải Nobel, giải được trao hàng năm cho một tác giả từ bất cứ quốc gia nào có, theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel, tác phẩm xuất sắc nhất theo khuynh hướng duy tâm (nguyên văn tiếng Thụy Điển: “den som inom litteraturen har producerat det utmärktaste i idealisk riktning”). “Tác phẩm” ở đây có thể là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của người được trao giải hoặc là một số tác phẩm riêng biệt được nêu trong phần lý do trao tặng. Cơ quan quyết định người được nhận Giải Nobel Văn học là Viện Hàn lâm Thụy Điển, quyết định này được công bố vào đầu tháng 10 hàng năm.
Câu trích dẫn trong di chúc của Nobel về giải thưởng này đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Trong tiếng Thụy Điển, từ idealisk vừa có thể hiểu là duy tâm (idealistic), vừa có thể hiểu là lý tưởng (ideal). Vì vậy, trong giai đoạn đầu của Giải Nobel Văn học, Ủy ban Nobel đã gặp nhiều lúng túng trong việc lựa chọn người xứng đáng và đã bỏ qua nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới như Lev Tolstoy hay Henrik Ibsen, với lý do là tác phẩm của họ chưa đủ “duy tâm”. Tuy nhiên giai đoạn sau, nguyên tắc cứng nhắc này đã được nới lỏng và người được nhận giải thưởng thường đều là những tác giả được thế giới công nhận.
Thủ tục xét giải Nobel Văn học
Hằng năm, Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ gửi các đề nghị đề cử những tác giả theo họ là xứng đáng được trao Giải Nobel Văn học. Ngoài các viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển thì thành viên của các hội và viện hàn lâm văn học, giáo sư văn học và ngôn ngữ, những người từng được trao giải thưởng này và chủ tịch các hiệp hội nhà văn cũng được quyền đề cử, tuy nhiên họ không được quyền đề cử bản thân mình.
Mỗi năm, có hàng ngàn đề nghị được gửi đi và có khoảng 50 đề cử phản hồi. Các đề cử phải được gửi đến Viện trước ngày 1 tháng 2, sau đó nó sẽ được một ủy ban xem xét kỹ lưỡng. Từ tháng 4, Viện bắt đầu giới hạn số ứng cử viên xuống còn khoảng 20 và đến mùa hè thì chỉ còn khoảng 5 tác giả nằm trong danh sách đề cử. Các tháng tiếp theo, viện sĩ của Viện bắt đầu nghiên cứu kỹ tác phẩm của những ứng cử viên cuối cùng này. Đến tháng 10, các viện sĩ sẽ bỏ phiếu, và ứng cử viên nào nhận được quá bán số phiếu sẽ là người được trao giải. Quá trình này diễn ra tương tự với thủ tục xét giải của các giải Nobel khác. Nói chung thì việc đề cử và thảo luận về các ứng cử viên sẽ được giữ kín trong vòng 50 năm, tuy vậy đôi khi các tác giả cũng được thông tin về việc mình được đề cử.
Khoản tiền kèm theo Giải Nobel Văn học đã thay đổi nhiều lần kể từ khi giải đầu tiên được trao năm 1901, đến đầu thế kỷ 21, trị giá của nó vào khoảng 10 triệu kronor Thụy Điển. Tác giả được trao Giải Nobel Văn học sẽ được nhận số tiền này kèm theo một giấy chứng nhận của Ủy ban Nobel và một huy chương vàng, đồng thời họ cũng sẽ được mời phát biểu tại lễ trao giải diễn ra vào ngày 10 tháng 12 hàng năm tại Stockholm.
Giải thưởng thường được công bố vào tháng 10. Đôi khi, giải thưởng đã được công bố năm sau năm đề cử, mới nhất là giải thưởng năm 2018. Vào ngày 4 tháng 5 năm 2018, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã thông báo rằng, bởi vì các cuộc tranh đấu nội bộ, người đoạt giải 2018 sẽ được công bố vào năm 2019 cùng với người đoạt giải 2019.
Tranh cãi về giải Nobel Văn học
Giải Nobel Văn học từ lâu đã có một số tranh cãi trong dư luận và giới chuyên môn. Từ năm 1901 đến năm 1912, với cách diễn dịch nguyện vọng của Nobel là trao giải cho những tác giả theo khuynh hướng “duy tâm”, ủy ban đã bỏ qua rất nhiều tác giả nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ như Lev Tolstoy, Henrik Ibsen hay Émile Zola. Trong quãng thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất và vài năm sau đó, ủy ban trao giải đã áp dụng chính sách trung lập, dẫn đến việc ưu tiên tác giả từ những nước không tham chiến hơn là các tác giả đến từ các nước tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất vốn đều là các quốc gia có nền văn học phát triển.
Năm 1974, ba tác giả nổi tiếng thế giới là Graham Greene, Vladimir Nabokov và Saul Bellow đều được đề cử, nhưng giải thưởng lại lọt vào tay các tác giả người Thụy Điển ít tên tuổi hơn là Eyvind Johnson và Harry Martinson, vốn cũng nằm trong ủy ban xét tặng giải thưởng này. Sau đó Bellow được trao giải năm 1976 nhưng Greene và Nabokov thì không bao giờ được xét tặng giải thưởng này nữa.
Người được tặng Giải Nobel Văn học năm 1997 là Dario Fo thoạt tiên chỉ được một số nhà phê bình coi là một ứng cử viên nhẹ ký vì tác giả này thường được biết tới như là một diễn viên hơn là một nhà văn, vả lại Giáo hội Công giáo Roma cũng đã từng chỉ trích tác phẩm của Fo. Theo nhà xuất bản của Dario Fo ở Luân Đôn thì Salman Rushdie và Arthur Miller mới là những người được dự đoán sẽ giành giải, tuy nhiên những nhà tổ chức đã tuyên bố rằng hai nhà văn này là “quá dễ dự đoán và quá phổ biến” (too predictable, too popular).
Lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho giải thưởng năm 2004, nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek, đã bị chỉ trích từ ngay trong thành phần viện sĩ của Viện. Knut Ahnlund (người đã không còn thực sự hoạt động ở Viện Hàn lâm từ năm 1996) đã từ chức và nói rằng việc lựa chọn Jelinek đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho danh tiếng của giải.
Những người đoạt giải Nobel Văn học
Cho đến nay tác giả lớn tuổi nhất được nhận Giải Nobel Văn học là Doris Lessing, nữ nhà văn người Anh này đã 88 tuổi khi được công bố là người nhận giải năm 2007. Còn người trẻ nhất được nhận giải là Rudyard Kipling, ông 42 tuổi khi nhận giải năm 1907.
Người nhận Giải Nobel Văn học sống thọ nhất cho đến nay là Bertrand Russell, ông qua đời năm 97 tuổi. Còn người chết trẻ nhất trong số những người đoạt giải là nhà văn Pháp Albert Camus, ông qua đời sau một tai nạn ô tô năm 46 tuổi, chỉ ba năm sau khi được nhận giải Nobel.
Cho đến nay sau khi hơn 100 tác giả đã được trao Giải Nobel Văn học thì mới chỉ có 16 phụ nữ được nhận vinh dự này, đó là Selma Lagerlöf (1909), Grazia Deledda (1926), Sigrid Undset (1928), Pearl S. Buck (1938), Gabriela Mistral (1945), Nelly Sachs (1966), Nadine Gordimer (1991), Toni Morrison (1993), Wisława Szymborska (1996) và Elfriede Jelinek (2004), Doris Lessing (2007), Herta Muller (2009), Alice Munro (2013), Svetlana Alexievich (2015), Olga Tokarczuk (2018) và Louise Glück (2020).