Định Nghĩa Tâm Lý Học Là Gì
07/06/2023Định nghĩa tâm lý học là gì không phải dễ dàng và đơn giản. Thực tế từ xa xưa cho đến ngày nay con người đã tốn rất nhiều công sức để tìm hiểu khái niệm này.
1.Tâm lý là gì
Người nguyên thuỷ có quan điểm cho rằng con người có hai phần: thể xác và tâm hồn. Tâm hồn chính là cội nguồn của tâm lý con người. Tâm hồn là bất tử, con người sau khi chết còn có cuộc sống của tâm linh.
Trong tiếng Việt thuật ngữ tâm lý đã có từ lâu. Từ điển tiếng Việt 1988 định nghĩa một cách tổng quát: “tâm lý là ý nghĩa, tình cảm, làm thành thế giới nội tâm, thế giới bên trong của con người”.
Trong cuộc sống hàng ngày, chữ tâm thường được sử dụng ghép với các từ khác. Ta thường có cụm từ “tâm địa”, tâm can, tâm tình tâm trạng, tâm tư, được hiểu là lòng người thiên về mặt tình cảm. Như vậy tâm lý được dùng để chỉ những hiện tượng tinh thần của con người.
Khái niệm tâm lý trong tâm lý học bao gồm tất cả những hiện tượng tinh thần như cảm giác, tư duy, tình cảm hình thành trong đầu óc con người điều chỉnh, điều khiển mọi hoạt động của con người.
Nói một cách chung nhất: tâm lý là tất cả những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong đầu óc con người, gắn liền và điều hành mọi hành động, hoạt động của con nguời.
2.Định Nghĩa Tâm Lý Học
Tâm lý học là ngành khoa học nghiên cứu hoạt động, tinh thần và tư tưởng của con người (cụ thể đó là những cảm xúc, ý chí và hành động). Tâm lý học cũng chú tâm đến sự ảnh hưởng của hoạt động thể chất, trạng thái tâm lý và các yếu tố bên ngoài lên hành vi và tinh thần của con người.
Tâm lý học vừa được nghiên cứu một cách khoa học lẫn phi khoa học. Tâm lý học chủ đạo ngày nay đa phần đặt nền tảng trên thuyết thực chứng, thông qua những phân tích định lượng và sử dụng những phương pháp khoa học để thử và bác bỏ những giả thuyết. Tâm lý học có khuynh hướng chiết trung, sử dụng và tiếp thu kiến thức thu thập được từ nhiều ngành khoa học khác để hiểu và lý giải hành vi của con người. Nhiệm vụ nghiên cứu của Tâm lý học:
• Nghiên cứu bản chất của các hiện tượng tâm lý.
• Nghiên cứu mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý đó.
• Nghiên cứu vai trò, chức năng của tâm lý đối với hoạt động của con người.
Theo Sổ tay Tâm lý học, các phân ngành chính của Tâm lý học bao gồm:
• Biological Psychology (Tâm lý sinh học)
• Experimental Psychology (Tâm lý học thử nghiệm)
• Personality and Social Psychology (Tâm lý học nhân cách và Tâm lý học xã hội)
• Developmental Psychology (Tâm lý học phát triển, còn được gọi là Tâm lý học con người – Human Psychology)
• Educational Psychology (Tâm lý học giáo dục)
• Clinical Psychology (Tâm lý học lâm sàng)
• Health Psychology (Tâm lý học sức khoẻ)
• Assessment Psychology (Tâm lý học đánh giá)
• Forensic Psychology (Tâm lý học pháp lý)
• Industrial and Organizational Psychology (Tâm lý học tổ chức và công nghiệp)
Tuy nhiên cần phải lưu ý: không có ranh giới rõ ràng giữa các phân ngành nhỏ. Một chủ đề có thể là đối tượng nghiên cứu của nhiều phân ngành.
3.Kiến thức Tâm Lý Học tại Tamlyhoc.biz
Tamlyhoc.biz là website chuyên cung cấp kiến thức về tâm lý học, bao gồm: Tâm lý học là gì, Lịch Sử Tâm Lý Học, trường phái tâm lý học, tâm lý học đại cương, tâm lý học phát triển, tâm lý học thần kinh, tâm lý học nhân cách (tâm lý học hành vi, tâm lý học biểu cảm, tâm lý học tính cách), tâm lý học xã hội (tâm lý học đời sống, tâm lý tình yêu, tâm lý gia đình), tâm lý học tích cực, tâm bệnh học, và giới thiệu những sách tâm lý hay đã được xuất bản.
Tamlyhoc.biz cung cấp kiến thức về tâm lý miễn phí, phi lợi nhuận; có nguồn gốc chính quy và chính xác; nhằm đưa thông tin về sức khỏe tâm lý phổ biến rộng rãi đến đại chúng; giúp người Việt Nam hiểu rõ hơn đồng thời không thờ ơ với vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân, người thân và cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
1. Tâm lý học đại cương: Trần Trọng Thủy chủ biên – Nhà xuất bản Giáo dục – Hà Nội. 2000
2. Giáo Trình Tâm lý học đại cương: Nguyễn Quang Uẩn chủ biên – Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. 1999